Giới thiệu về an toàn trên Internet

Hãy xem xét một số mẹo cơ bản để giữ an toàn hơn khi trực tuyến.

Bảo mật máy tính và email

Một vài rủi ro trực tuyến chủ yếu bao gồm:

  • vi -rút – phần mềm độc hại có thể lây lan từ máy tính này sang máy tính khác thông qua internet. Một số chỉ gây phiền toái, một số khác có thể gây hại cho thiết bị của quý vị và lấy cắp dữ liệu
  • trojan – cũng là phần mềm độc hại nhưng trông vô hại hoặc hấp dẫn. Ví dụ: một đề nghị trực tuyến giúp máy tính của quý vị chạy nhanh hơn có thể lừa quý vị tải xuống một tập tin chứa phần mềm độc hại
  • phần mềm gián điệp (spyware) – phần mềm độc hại có thể đánh cắp thông tin như mật khẩu và chi tiết tài khoản ngân hàng, đôi khi bằng cách theo dõi các phím quý vị gõ trên bàn phím

Tất nhiên, điều này rất đáng lo ngại, nhưng tin tốt lành là quý vị có thể thực hiện các bước để bảo vệ bản thân và máy tính của mình khỏi các mối đe dọa trực tuyến, bao gồm:

  • sử dụng phần mềm chống vi-rút (anti-virus software) – có sẵn các phiên bản miễn phí và trả phí và điều này có thể giúp tìm, ngăn chặn và loại bỏ vi-rút khỏi máy tính của quý vị
  • phần mềm chống gián điệp (anti-spyware software) – giúp ngăn chặn dữ liệu của quý vị bị đánh cắp và thường có thể đi chung cùng với gói phần mềm chống vi-rút có uy tín
  • cập nhật phần mềm bảo mật internet, trình duyệt, cài đặt hệ thống và hệ điều hành của quý vị. Các chương trình này có thể được cài đặt để tự động cập nhật ở phần nền của máy, vì vậy quý vị không cần nhớ. Các mối đe dọa của vi-rút và phần mềm độc hại thay đổi nhanh chóng, vì vậy việc cập nhật phần mềm máy tính của quý vị là điều cần thiết để giúp quý vị an toàn hơn khi trực tuyến
  • gia hạn đăng ký hàng năm cho phần mềm chống vi-rút và phần mềm bảo vệ khác một cách kịp thời
  • cập nhật những trò lừa đảo và vi-rút mới nhất bằng cách kiểm tra trang mạng cyber.gov.au của chính phủ Úc.

Các mẹo an toàn khác

Quý vị nên hết sức cẩn thận để máy tính của mình không tiếp xúc với phần mềm độc hại bằng cách tuân theo một số biện pháp phòng ngừa cơ bản, bao gồm:

  • suy nghĩ kỹ trước khi mở tập tin đính kèm email hoặc trước khi nhấp vào liên kết trong email, văn bản hoặc trên các trang mạng mà quý vị không tin tưởng. Hãy nhớ rằng, ngân hàng và các cơ quan chính phủ sẽ không bao giờ viết thư cho quý vị để yêu cầu tên người dùng, mật khẩu hoặc bất kỳ thông tin nhận dạng cá nhân nào khác.
  • nếu quý vị nhận được email từ một người bạn nhưng nó nghe có vẻ khác thường, hãy kiểm tra một cách độc lập với họ xem họ có thực sự gửi email đó không, vì họ có thể đã bị tấn công. Điều này đặc biệt đúng đối với các bài đăng và tin nhắn trên mạng xã hội.
  • tìm kiếm thông tin về danh tiếng của công ty trước khi kinh doanh trực tuyến với họ – đặc biệt nếu quý vị mua hàng từ họ.
  • sao lưu thường xuyên tất cả thông tin quan trọng trên máy tính của quý vị. Nếu máy tính bị nhiễm vi-rút, quý vị vẫn có quyền truy cập vào tất cả các tập tin quan trọng của mình.

Sử dụng dữ liệu cá nhân trên mạng internet

Đôi khi ta cần phải cung cấp thông tin cá nhân trên mạng, nhưng cần giới hạn số lượng thông tin quý vị có thể chia sẻ, và luôn biết các quyền của mình.

  • Chỉ cung cấp thông tin cho các công ty trung thực, nếu cần để xác minh danh tính của quý vị.
  • Tránh đăng thông tin cá nhân (ngày sinh, địa chỉ nhà riêng, v.v.) lên các diễn đàn công cộng như Facebook. Thông tin cá nhân có thể bị bọn tội phạm sử dụng để trộm cắp danh tính.
  • Pháp luật quy định việc sử dụng thông tin cá nhân bởi các công ty tư nhân. Ở Úc, đó là Luật Quyền Riêng Tư 1988.
  • Luật Tự do Thông tin 1982 có thể áp dụng cho thông tin quý vị cung cấp cho các cơ quan chính phủ.
  • Các công ty có uy tín có các chính sách bảo mật cho thông tin cá nhân. Hãy đọc các chính sách về quyền riêng tư này trên các trang mạng của họ.
  • Để biết thêm thông tin về quyền lợi của người tiêu dùng hoặc để cập nhật thông tin về việc bảo vệ quý vị khỏi những trò lừa đảo, vui lòng truy cập trang mạng Người tiêu dùng của ACCC .

Trả tiền trực tuyến và các trang mạng được mã hóa

Mua hàng trực tuyến có thể thuận tiện, và có một số cách kiểm tra nhanh để giúp quý vị trả tiền an toàn:

  • Công ty mà quý vị đang giao dịch có danh tiếng tốt không? Kiểm tra các chính sách bảo mật thông tin cá nhân và chính sách hoàn trả trên trang mạng của họ. Sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm hiểu thêm về công ty một cách độc lập từ trang mạng của chính họ.
  • Mua hàng bằng thẻ tín dụng (credit card) hoặc PayPal. Cả hai cách này đều có hình thức bảo vệ người mua hàng.
  • Trước khi nhập thông tin thẻ tín dụng của quý vị vào một trang mạng, hãy kiểm tra thanh địa chỉ (address bar) trên trình duyệt của quý vị. Trang mạng được mã hóa phải được đánh dấu bằng ổ khóa và trang mạng phải bắt đầu bằng https:// (không chỉ là http://). Mã hóa giữ cho dữ liệu được gửi đến và đi từ trang mạng, tránh lộ ra những nơi khác.

Giữ an toàn trực tuyến cho gia đình

Con cháu có vẻ rất tự tin với máy tính và các thiết bị khác, nhưng chúng ít có kinh nghiệm hơn trên thế giới và do đó có nhiều rủi ro hơn từ:

  • xem tài liệu trực tuyến không phù hợp
  • tiết lộ thông tin cá nhân của họ cho người khác trực tuyến
  • bắt nạt và quấy rối.

Có những việc quý vị có thể làm để giúp bảo vệ bản thân và gia đình mình giữ an toàn hơn khi trực tuyến, bao gồm:

  • Thiết lập tài khoản người dùng cho riêng trẻ trên máy tính hoặc thiết bị và bật kiểm soát của phụ huynh
  • Giảm thiểu việc hiển thị trong các công cụ tìm kiếm bằng cách điều chỉnh cài đặt của chúng. Đối với Google, hãy bật Tìm kiếm An toàn (SafeSearch). Đối với Yahoo!, chọn Tìm kiếm An toàn trên Yahoo (Yahoo SafeSearch) và cài đặt nó ở mức Chặt chẽ (Strict). Đối với Bing, hãy bật Tìm kiếm An toàn (SafeSearch).
  • Đặt YouTube ở mức hạn chế (restricted), cùng với bất kỳ địa chỉ video nào khác.
  • Nói chuyện với con hoặc cháu của quý vị về những mối nguy hiểm mà chúng có thể gặp phải trên mạng.
  • Để biết các mẹo mở rộng về những điều này và các khía cạnh khác của an toàn trực tuyến, hãy truy cập trang mạng của Ủy viên An toàn Điện tử tại https://esafety.gov.au.